1. Tác dụng của cây Lưỡi Hổ
Cây Lưỡi Hổ, còn được gọi là Lưỡi Cọp hay cây Đuôi Cọp, có nguồn gốc từ Châu Phi và thích hợp với khí hậu nóng, khô, có khả năng chịu hạn tốt. Cây Lưỡi Hổ có khả năng lọc không khí hiệu quả, hấp thụ CO2 và cung cấp Oxy cao, ngay cả vào ban đêm. Hơn nữa, cây còn giúp hấp thụ và xử lý các chất độc hại trong không khí như xylene, toluene, nitrogen oxit và formaldehyde (một chất gây ung thư có trong nhiều sản phẩm như giấy tái chế, vật dụng và mỹ phẩm).
Cây Lưỡi Hổ được khuyến khích trồng trong các khu vực như nhà máy, kho xưởng, văn phòng hay cao ốc nhằm giảm thiểu các triệu chứng của hội chứng nhà cao tầng (Sick Building Syndrome – SBS), bao gồm các triệu chứng như kích ứng tai, mũi, họng, ho, ngứa, chóng mặt, co thắt cơ…
2. Ý nghĩa của cây Lưỡi Hổ
Cây Lưỡi Hổ không chỉ có giá trị trong phong thủy mà còn mang ý nghĩa tích cực trong đời sống hàng ngày. Cây Lưỡi Hổ được coi là biểu tượng của năng lượng tích cực, sức mạnh, mang đến cảm giác bình an và giúp xua tan những điều xui xẻo, không may mắn. Nhiều gia đình lựa chọn trồng cây Lưỡi Hổ trước cửa nhà với mong muốn tẩy uế, trừ tà và bảo vệ gia chủ.
3. Cách trồng và chăm sóc cây Lưỡi Hổ
Cây Lưỡi Hổ là loại cây có sức sống mạnh mẽ, khả năng chịu hạn tốt, có thể trồng cả ngoài trời lẫn trong nhà. Cây phát triển tốt trong khoảng nhiệt độ từ 15 đến 27 độ C. Do đó, việc trồng và chăm sóc cây Lưỡi Hổ khá đơn giản. Để cây phát triển tốt nhất, cần lưu ý những vấn đề sau:
Nước tưới:
Cây Lưỡi Hổ cần rất ít nước, đặc biệt khi trồng trong nhà. Thông thường, nên tưới mỗi 2 tuần một lần, chỉ tưới vừa đủ ẩm cho đất. Trong mùa mưa, khi không khí có độ ẩm cao, có thể chỉ tưới một lần mỗi tháng.
Hãy quan sát lá cây để kiểm tra mức độ nước tưới. Nếu lá rũ và vàng thì có thể bạn đang tưới nhiều nước; nếu lá nhăn nheo và héo úa thì có thể cây đang thiếu nước.
Đất trồng:
Cây cần loại đất tơi xốp, thoáng khí và có độ kiềm cao. Cây Lưỡi Hổ không cần cung cấp nhiều phân bón; thông thường, bón phân mỗi ba tháng một lần là đủ để cây phát triển tốt. Tránh bón phân trong thời tiết ẩm và lạnh.
Ánh sáng:
Cây sống khỏe cả dưới ánh nắng mặt trời và trong nhà, tuy nhiên nên trồng ở nơi có ánh sáng vừa phải hoặc râm mát. Nếu lá cây nhạt màu và thân mềm, có thể cần chuyển cây ra khu vực có nhiều ánh sáng hơn. Nên để cây phơi nắng trung bình 10 ngày một lần từ 7 đến 9 giờ sáng.
Phòng bệnh cho cây:
- Thối gốc, lá có đốm nâu, mềm rũ: do tưới quá nhiều nước
- Lá vàng, mềm, thâm đen: cây bị lạnh
- Lá khô, mép vàng: do nắng gay gắt chiếu trực tiếp lên cây
- Lá bị phai màu, mất vân: cây thiếu ánh sáng
► Tham khảo thêm: Cách chăm sóc hoa hồng